Chương trình Quản lý Tài nguyên Môi trường & Đất đai tham luận “Hội thảo GIS-IDEAS 2023” tại Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội

20/11/2023 13:48     885


Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội phối hợp cùng Hội Địa tin học Việt Nhật và trường Đại học Osaka Nhật Bản long trọng tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế GIS-IDEAS 2023, với chủ đề “Geospatial Integrated Technologies for Natural Hazards and Environmental Problems” nói về chủ đề “Công nghệ tích hợp không gian địa lý cho các hiểm họa thiên nhiên và các vấn đề môi trường”. Hội thảo GIS-IDEAS 2023 đã được tổ chức tại Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, từ ngày 07-09/11/2023. Hội thảo GIS-IDEAS là diễn đàn học thuật quan trọng nhằm trao đổi các nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin địa lý trong phát triển cơ sở hạ tầng và khoa học Trái đất. Các chuyên gia đã trình bày và thảo luận về nhiều chủ đề quan trọng như ứng dụng GIS trong quản lý tài nguyên, phân tích không gian và thời gian, mô phỏng môi trường, và phát triển bền vững.

 

GS. Venkatesh Raghavan – Đại diện Đại học Osaka phát biểu tại Hội thảo

Nguồn ảnh: Báo Tài nguyên và Môi trường
(
https://baotainguyenmoitruong.vn/hoi-thao-khoa-hoc-quoc-te-gis-ideas-nhieu-y-tuong-khoa-hoc-giai-quyet-cac-van-de-ve-moi-truong-365502.html,
truy cập ngày
17/11/2023).

 

Một trong những bài tham luận đáng chú ý tại hội thảo là "Spatial - Temporal analasis of NO2 concentration in Binh Duong Province, VietNam”. Nghiên cứu đã tập trung vào đo lường nồng độ NO2 đối lưu trong không gian và thời gian tại tỉnh Bình Dương. Được thực hiện bởi nhóm giảng viên và sinh viên ngành Quản lý Tài nguyên Môi trường và Đất đai từ Trường Đại học Thủ Dầu Một, nghiên cứu này sử dụng nền tảng đám mây Google Earth Engine để phân tích dữ liệu địa lý. Mục tiêu của nghiên cứu là cung cấp thông tin về chất lượng không khí và tìm hiểu sự biến đổi nồng độ NO2 tại Bình Dương. NO2 là một chất gây ô nhiễm không khí và có liên quan đến các vấn đề sức khỏe. Thông qua việc sử dụng dữ liệu vệ tinh và công nghệ phân tích địa lý, nghiên cứu đã đo lường và phân tích nồng độ NO2 theo không gian và thời gian trong tỉnh

 

TS. Trần Thị Ân - Đại học Thủ Dầu Một đại diện nhóm nghiên cứu trình bày

Kết quả nghiên cứu nhằm cung cấp cái nhìn tổng quan về biến đổi không gian và thời gian của nồng độ NO2 trong tỉnh. Dữ liệu NO2 đối lưu đã được thu thập từ vệ tinh Sentinel-5P TROPOMI và xử lý thông qua nền tảng Google Earth Engine. Phân tích theo không gian giúp xác định các khu vực có nồng độ NO2 cao nhất và thấp nhất trong tỉnh Bình Dương. Trong khi đó, phân tích theo thời gian cho thấy sự thay đổi theo giời gian và tác động của các yếu tố như dịch bệnh Covid-19 đến nồng độ NO2., đồng thời đề xuất tiềm năng ứng dụng công nghệ trong việc giám sát chất lượng không khí.

 

TS. Trần Thị Ân - Đại học Thủ Dầu Một trình bày kết quả nghiên cứu

Kết quả của nghiên cứu cho thấy nồng độ NO2 trong khu vực nghiên cứu không có sự biến đổi đáng kể trong giai đoạn nghiên cứu. Tuy nhiên, trong giai đoạn bùng phát dịch Covid-19, nồng độ NO2 đã giảm do giảm các hoạt động giao thông và công nghiệp. Nghiên cứu cũng xác định được các khu vực có nồng độ NO2 cao nhất và thấp nhất trong tỉnh Bình Dương.

Nghiên cứu này chứng minh sự tiềm năng của việc sử dụng nền tảng Google Earth Engine và dữ liệu vệ tinh Sentinel-5P TROPOMI trong việc giám sát chất lượng không khí. Kết quả nghiên cứu cung cấp thông tin quan trọng về chất lượng không khí tại tỉnh Bình Dương, từ đó hỗ trợ quy hoạch đô thị và các biện pháp nhằm cải thiện chất lượng không khí trong khu vực. Điều này có ý nghĩa quan trọng đối với sức khỏe cộng đồng và bảo vệ môi trường sống.

Nghiên cứu này đóng góp vào việc hiểu rõ hơn về tình trạng chất lượng không khí và tác động của các yếu tố như dịch bệnh và biến đổi môi trường. Đồng thời, nó cung cấp căn cứ khoa học cho việc đưa ra các biện pháp quản lý và giám sát chất lượng không khí hiệu quả. Tiềm năng của việc sử dụng công nghệ và dữ liệu vệ tinh trong việc nghiên cứu và giám sát chất lượng không khí là rất lớn và có thể được mở rộng để áp dụng cho các khu vực khác trong miền Nam Việt Nam và trên toàn quốc.

Các tham luận của các nghiên cứu trên áp phích tại hội thảo

Nguồn ảnh: Báo Tài nguyên và Môi trường
(
https://baotainguyenmoitruong.vn/hoi-thao-khoa-hoc-quoc-te-gis-ideas-nhieu-y-tuong-khoa-hoc-giai-quyet-cac-van-de-ve-moi-truong-365502.html,
truy cập ngày
17/11/2023).

 

Hội thảo GIS-IDEAS 2023 đã góp phần quan trọng vào sự phát triển và tiến bộ của lĩnh vực Địa tin học và phát triển cơ sở hạ tầng không gian. Sự thành công của sự kiện đã củng cố sự hiểu biết và nhận thức về tầm quan trọng của Địa tin học trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng thông minh và bền vững. Hơn nữa, hội thảo cũng đã tạo ra một môi trường thuận lợi để khuyến khích sự giao lưu, hợp tác và xây dựng mạng lưới liên kết trong cộng đồng Địa tin học. Các chuyên gia, nhà nghiên cứu và sinh viên đã có cơ hội gặp gỡ, chia sẻ ý tưởng và kinh nghiệm, từ đó tạo ra những cơ hội hợp tác mới và khám phá tiềm năng phát triển trong lĩnh vực này. Tổng kết lại, hội thảo quốc tế GIS-IDEAS 2023 đã thành công với sự tham gia đông đảo của các chuyên gia, nhà nghiên cứu và sinh viên, tạo ra sự giao lưu, hợp tác và trao đổi kiến thức quan trọng trong lĩnh vực Địa tin học. Sự kiện này đã đóng góp quan trọng vào sự phát triển và tiến bộ của Địa tin học và phát triển cơ sở hạ tầng không gian.

 

Ảnh và tin bài: NLTD