Toạ đàm kỹ năng hành nghề Luật
03/12/2024 00:22 112
Toạ đàm kỹ năng hành nghề Luật
Tối ngày 29/11/2024, Câu lạc bộ Luật Gia Tương Lai phối hợp với Đoàn trường Luật và Quản lí phát triển tổ chức chương trình "Toạ đàm kỹ năng hành nghề Luật" dành cho sinh viên Luật. Buổi diễn đàn giúp sinh viên trang bị kỹ năng cần thiết trong quá trình học Luật, vận dụng kiến thức pháp luật áp dụng vào thực tiễn, chia sẻ kinh nghiệm thực tế trong hành nghề Luật của các chuyên gia, từng bước có những định hướng nghề nghiệp cụ thể cho bản thân.
Tham dự chương trình Tọa đàm kỹ năng hành nghề luật có các chuyên gia, cán bộ thi hành luật ở thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương: bà Trần Thị Hồng Cúc - Thẩm phán Toà án nhân dân quận Gò Vấp; bà Chu Thị Ngọc Duyên - Trưởng văn phòng Thừa phát lại Bến Cát; ông Nguyễn Văn Đạt - Công ty Luật HTT & Lawyers.
Về phía Trường Luật và Quản lý phát triển, có sự hiện diện của TS. Trần Thị Anh Thư - Phụ trách trường Luật và Quản lý phát triển; ThS. Trần Thị Vân Anh - Bí thư Đoàn trường Luật và Quản lý phát triển; TS. Trương Thế Minh - Phụ trách khoa Luật; các thầy cô là giảng viên khoa Luật trường Luật và Quản lý phát triển; Ths. Mai Thị Mị - Giảng viên khoa Luật, cố vấn CLB và sự hiện diện của 33 thành viên CLB. Ngoài ra, buổi tọa đàm có sự góp mặt của gần 300 bạn sinh viên Luật và các ngành học khác quan tâm đến hành nghề Luật.
Đưa ra những lời khuyên dành cho sinh viên tốt nghiệp ngành Luật có mong muốn trở thành Thẩm phán và các vị trí trong Toà án, bà Trần Thị Hồng Cúc - Thẩm phán Toà án nhân dân quận Gò Vấp cho biết để trở thành Thẩm phán phải trải qua tiêu chuẩn cần có, gồm: có bằng cử nhân Luật, tham gia kỳ thi tuyển công chức ngành Toà án, sau khi vào tòa án được cử đi học nghiệp vụ Thư ký Toà án và được bổ nhiệm trở thành Thư ký Tòa án, hoàn thành khoá học đào tạo nghiệp vụ xét xử tiếp đến vượt qua kỳ thi tuyển chọn Thẩm phán sơ cấp và được bổ nhiệm trở thành Thẩm Phán. Bên cạnh đó, thẩm phán Trần Thị Hồng Cúc chia sẻ thật tâm về những khó khăn trong hành trình hành nghề thẩm phán của bản thân và cách giải quyết của bà từ kinh nghiệm dày dặn khi làm thẩm phán. Đồng thời, để trở thành thẩm phán cần có những kỹ năng cơ bản, như: kỹ năng thu thập và xử lý thông tin, kỹ năng nghiên cứu hồ sơ, kỹ năng bình tĩnh trong mọi tình huống,... Bên cạnh những kỹ năng cơ bản, cần có phong thái làm việc chuyên nghiệp, thái độ làm việc chuẩn mực, tinh thần trách nhiệm cao, giỏi giao tiếp và nắm bắt tâm lý.
Gợi mở cho sinh viên Luật tiếp cận với công việc thừa phát lại, do sự chia sẻ thực tế của bà Chu Thị Ngọc Duyên - Trưởng văn phòng Thừa phát lại Bến Cát. Bà đã giải đáp thắc mắc về công việc thừa phát lại thông qua cách hiểu của mọi người thường cho rằng "tại sao thừa không giữ lại đi mà phát lại làm gì?". Bà Chu Thị Ngọc Duyên chia sẻ rằng thừa phát lại là người thực hiện tống đạt, lập vi bằng, xác minh điều kiện thi hành án dân sự, tổ chức thi hành án dân sự. Những văn phòng thừa phát lại có trên địa bàn tỉnh Bình Dương, bà chia sẻ cơ hội thực tập và làm việc ở các văn phòng thừa phát lại. Bên cạnh đó, giải đáp các vướng mắc về sự khác nhau giữa thừa phát lại và công chứng viên. Trong buổi diễn đàn, bà Chu Thị Ngọc Duyên chia sẻ thật lòng về những thuận lợi, khó khăn phải đối mặt trong công việc thừa phát lại, chấp hành viên. Theo đó, thấy được sự nhiệt tình và tâm huyết của bà Chu Thị Ngọc Duyên trong hành nghề thừa phát lại đã truyền ngọn lửa động lực cho các bạn sinh viên Luật mang đến một bức tranh “sắc nét” về nghề Luật nói chung và nghề Thừa phát lại nói riêng.
Chia sẻ về kỹ năng cần thiết trong hành nghề luật sư, các tiêu chí cần và đủ để có thể trở thành một luật sư từ những kinh nghiệm trong hành nghề Luật sư của ông Nguyễn Văn Đạt - Công ty Luật HTT & Lawyers. Trong buổi diễn đàn, luật sư Nguyễn Văn Đạt đã có những chia sẻ chân tình trong quá trình hành nghề Luật sư về những thuận lợi, khó khăn trong công việc, những tình huống giữa Luật sư và khách hàng mà mình nên cân nhắc xử sự cho phù hợp. Bên cạnh đó, luật sư Nguyễn Văn Đạt cũng cho biết sinh viên cần nghiêm túc, trau dồi những kỹ năng mềm từ trên ghế nhà trường để trở thành luật sư tranh tụng giỏi như: kỹ năng lí luận, lập luận thuyết phục, kỹ năng tranh luận sắc bén, kỹ năng nghiên cứu và phân tích sâu sắc và đặc biệt là kỹ năng giao tiếp, diễn đạt dễ hiểu. Ngoài ra, giải đáp thắc mắc của các bạn sinh viên Luật về việc thực tập ở văn phòng Luật sư và công ty Luật. Những lời khuyên, lời nhắn nhủ của luật sư là bài học bổ ích giúp cho các bạn sinh viên chuẩn bị hành trang cho con đường trở thành Luật sư.
Trong khuôn khổ chương trình, những thắc mắc, trăn trở của các bạn sinh viên Luật đã nhận được những phản hồi nhiệt tình từ quý vị khách mời, các chuyên gia trong lĩnh vực hành nghề Luật, cán bộ thi hành Luật về các tiêu chí trở thành giảng viên dạy ngành Luật, cách áp dụng kiến thức pháp luật vào thực tế hành nghề luật trong tương lai; chức năng nhiệm vụ của các cơ quan tố tụng, thi hành án; các tiêu chí để trở thành thẩm phán, thư ký, luật sư, thừa phát lại; kỹ năng làm việc với các cơ quan tiến hành tố tụng; kỹ năng hành nghề luật sư; những khó khăn, thách thức trong quá trình làm nghề thẩm phán, thừa phát lại, chấp hành viên, luật sư; tạo cơ hội để sinh viên Luật có thể thực tập ở văn phòng Thừa phát lại và văn phòng luật sư.
Buổi Tọa đàm kỹ năng hành nghề Luật đã diễn ra thành công tốt đẹp và nhận được sự hưởng ứng nhiệt liệt từ đông đảo sinh viên Luật. Hi vọng rằng sau khi tọa đàm khép lại sinh viên Luật của Trường Đại học Thủ Dầu Một có thể vận dụng kiến thức pháp luật vào thực tiễn xã hội, định hướng cho bản thân về con đường hành nghề Luật trong tương lai, cũng như chuẩn bị đủ hành trang để vững vàng hơn trên con đường học Luật.